Mô tả
Ở Việt Nam măng khô thường được dùng để nấu các món canh trong các bữa cỗ, tiệc và không thể thiếu vào dịp tết của mỗi gia đình.
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng hóa đàm hạ khí, thanh nhiệt trừ phiền, tiêu thực giả độc, thông lợi nhị tiện, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo phong nhiệt, ho do phế nhiệt có nhiều đờm vàng, phù thũng do viêm thận, do suy tim và thiểu dưỡng, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao phiền khát, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông…
Có nhiều loại măng khác nhau: Tuỳ theo nguồn gốc có măng tre, măng vầu, măng nứa, măng giang…; tuỳ theo hàm lượng nước chứa trong thành phần có măng khô, măng tươi; tuỳ theo cách chế biến có măng luộc, măng xào, măng hầm, măng chua, măng ớt…
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng có chứa khá nhiều thành phần dinh dưỡng. Theo các tài liệu của Trung Quốc, cứ mỗi 100g măng có chứa 4,1g protid (protid chứa trong măng có tới 16 loại acid amin), 0,1g lipid, 5,7g glucid, 22mg Ca, 56mg Photpho, 0,1g Fe, 0,08mg caroten, 0,08 mg vitamin B1, 0,08mg vitamin B2, 0,6mg vitamin B3, 1,0mg vitamin C.
Ngoài ra, trong măng còn chứa khá nhiều Mg và rất giàu chất xơ. Với hàm lượng chất béo, chất đường rất thấp và giàu chất xơ, măng là loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, phòng chống có hiệu quả tình trạng béo phì, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, bệnh táo bón, bệnh ung thư đại tràng và ung thư vú.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, với hàm lượng Mg khá phong phú và một loại đường đa có trong thành phần, măng có khả năng nhất định trong việc phòng ung, kháng ung và được coi là một trong những thực phẩm chống ung thư.
Măng các loại đều có tỷ lệ chất xơ (cellulose) rất cao nên có tác dụng nhuận trường và có tác dụng làm hạ hàm lượng cholesterol trong máu. Vì vậy ở những bệnh nhân có hàm lượng cholesterol trong máu cao thường ăn măng, vì đây cũng là một biện pháp giảm cân và hạ cholesterol hiệu quả.